Chính sử và nội dung kịch Con_côi_nhà_họ_Triệu

Chính sử

Triệu thị cô nhi dựa trên sự kiện lịch sử "Hạ cung chi nạn" ở nước Tấn, đời vua Tấn Cảnh công thời Xuân Thu được ghi trong Sử ký Tư Mã Thiên.

Nguyên do sâu xa của câu chuyện xảy ra từ thời Tấn Linh công (620 TCN-607 TCN). Theo chính sử, vua nhỏ Linh công chơi bời, muốn giết trung thần Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn phải bỏ kinh thành chạy đi tránh nạn. Người em Triệu Thuẫn là Triệu Xuyên mang quân đánh vào cung giết hôn quân Tấn Linh công. Triệu Thuẫn trở về, sai Triệu Xuyên sang nhà Chu đón chú Linh công là công tử Hắc Đồn về lập làm vua, tức là Tấn Thành công (606 TCN600 TCN).

Đến thời vua Tấn Cảnh công (599 TCN-581 TCN) là con của Thành công, Triệu Thuẫn đã qua đời, con là Triệu Sóc kế vị làm đại phu. Một viên quan từ thời Tấn Linh công là Đồ Ngạn Cổ được Tấn Cảnh công trọng dụng phong làm Tư khấu (viên quan phụ trách hình sự).

Năm 598 TCN, Đồ Ngạn Cổ mâu thuẫn với Triệu Sóc, liền tìm cách mưu hại. Ngạn Cổ tâu với vua Tấn về việc trước đây Triệu Thuẫn cùng em là Triệu Xuyên giết Linh công, nên phải trị tội họ Triệu. Được sự đồng tình của Tấn Cảnh công, Đồ Ngạn Cổ bèn mang quân diệt họ Triệu. Cả nhà Triệu Sóc bị giết[1].

Vợ Triệu Sóc là Trang Cơ, vốn công chúa nước Tấn, chị của Tấn Thành công nên không bị giết. Lúc đó Trang cơ đang mang thai, Đồ Ngạn Giả muốn giết đứa trẻ vì sợ bị trả thù sau này. Được đại phu Hàn Quyết cùng các gia thần, môn khách họ Triệu là Công Tôn Chử Cữu và Trình Anh hết lòng che chở, đứa con trai Triệu Sóc mới ra đời được cứu sống, được đặt tên là Triệu Vũ. Để làm được việc này, sau khi bàn bạc với Chử Cữu, Trình Anh mang đứa con nhỏ cũng mới sinh của mình ra thế mạng, cho Công Tôn Chử Cữu mang vào núi giấu, rồi tự mình đi tố cáo với Đồ Ngạn Cổ. Đồ Ngạn Cổ tìm đến nơi Trình Anh chỉ, tin là đã tìm ra con côi họ Triệu, liền giết chết cả Công Tôn Chử Cữu và đứa trẻ. Trình Anh bí mật giấu đứa con côi họ Triệu một nơi và nuôi nấng Triệu Vũ trưởng thành[1]

Trong quan hệ huyết thống, Triệu Vũ là anh họ của Tấn Cảnh công. Năm 583 TCN, Triệu Vũ lên 15 tuổi. Tấn Cảnh công mang bệnh. Hàn Quyết xin Tấn Cảnh công nhớ công lao của họ Triệu với nước Tấn để khôi phục họ Triệu. Tấn Cảnh công thuận theo, phục chức cho Triệu Vũ và cho Triệu Vũ tự đi báo thù giết Đồ Ngạn Cổ. Triệu Vũ bèn giết chết họ Đồ.

Nội dung kịch

Trên cốt truyện lịch sử xảy ra thời Xuân Thu, Kỷ Quân Tường có nhiều thay đổi khi viết vở kịch này, cả về thời gian lẫn nhân vật[2]:

  • Chuyện giết gia đình Triệu Sóc - cha của Con côi họ Triệu không phải thời Tấn Cảnh công mà được đẩy lên thời Tấn Linh công - vị vua nổi tiếng là hôn quân, tàn bạo và sử cũng ghi nhận cũng từng trọng dụng Đồ Ngạn Cổ.
  • Đại phu Hàn Quyết trong chính sử có công tham gia cứu Triệu Vũ và lập lại họ Triệu, nhưng lại tự vẫn chết ngay ở màn đầu trong vở kịch.
  • Do sự tàn sát họ Triệu diễn ra ngay thời Tấn Linh công, nguyên do để vua Tấn đồng tình cho Đồ Ngạn Cổ giết họ Triệu vì sự chính trực can ngăn những việc làm sai trái của vua Tấn
  • Công Tôn Chử Cữu là môn khách của họ Triệu, được Kỷ Quân Tường xây dựng là một vị quan cùng triều với Triệu Thuẫn
  • Việc báo thù của Triệu Vũ diễn ra ngay trong thời Tấn Cảnh công, được vở kịch đẩy lui xuống thời Tấn Điệu công (thời gian có tính ước lệ, bỏ qua 3 đời vua Thành công, Cảnh công và Lệ công)

Nhân vật

Các nhân vật trong vở kịch gồm có:

Ý nghĩa

Con côi nhà họ Triệu là một trong 100 kiệt tác sân khấu thế giới[3]. Cùng với vở Đậu Nga của Quan Hán Khanh, đây là vở bi kịch tiêu biểu của tạp kịch thời Nguyên.

Triệu thị cô nhi ca ngợi tinh thần trung nghĩa, sẵn sàng liều thân báo thù cho nhà, cho nước. Vở kịch đã miêu tả các nhân vật trung thần, nghĩa sĩ, các tấm gương vợ tiết, con hiếu đầy chí khí, rất oai phong lẫm liệt.

Không đơn thuần là một vở bi kịch lịch sử, Con côi nhà họ Triệu phản ánh tư tưởng của người Hán đương thời. Các nhà nghiên cứu chỉ ra tình tiết đáng chú ý: các vua nhà Tống người Hán - triều đại vừa bị nhà Nguyên của người Mông Cổ tiêu diệt - cũng mang họ Triệu, như đứa con côi trong vở kịch. Các vua cuối cùng của nhà Nam Tống như Đoan Tông, Đế Bính cũng đều là những vị vua thiếu niên. Do đó, việc lựa chọn chủ đề này của Kỷ Quân Tường không phải là ngẫu nhiên. Việc gắng sức bảo tồn đứa con côi họ Triệu chính là thông điệp kêu gọi đấu tranh cứu nhà Tống, chống sự thống trị của người Mông[4].

Xa hơn nữa, từ khi nhà Bắc Tống bị nhà Kim của người Nữ Chân đánh đuổi, phải bỏ trung nguyên chạy về Giang Nam, chuyện Trình Anh thời Xuân Thu "bảo tồn họ Triệu" đã lan rộng, ăn sâu trong tâm hồn người nhà Tống. Văn Thiên Tường, vị trung thần nhà Tống chống Nguyên Mông tới cùng, đã từng viết những câu cảm khái: "Đọc truyện Trình Anh bảo vệ dòng họ Triệu, lòng dạ bối rối, nước mắt ướt đẫm khăn tay"[5].

Trình Anh trong vở kịch tiêu biểu cho những nhân vật chính diện, đấu tranh chống cái xấu, cái ác. Đồ Ngạn Cổ tiêu biểu cho lực lượng phản diện. Hình ảnh tru diệt họ Triệu, giết hết không còn ai của Đồ Ngạn Cổ trong tác phẩm phản ánh sự đàn áp tàn bạo của nhà Nguyên với người Hán đương thời[6].